Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Xã Chi Lăng có tổng diện tích tự nhiên là 2.964,74ha. Là xã khu vực I cách thị trấn Thất Khê 02 km về phía Tây Bắc. Phía Đông giáp xã Tri Phương, xã Đại Đồng; phía Tây giáp xã Kim Đồng; phía Nam giáp xã Đề Thám và thị trấn Thất Khê; phía Bắc giáp xã Chí Minh

 Xã có 10 thôn được chia làm hai vùng rõ rệt (vùng cánh đồng gồm có 06 thôn và vùng khe dọc có 04 thôn nằm dọc theo bờ sông Bắc Khê), gồm 885 hộ gia đình với 3.830 nhân khẩu, có 06 dân tộc chủ yếu cùng chung sống, chủ yếu là dân tộc Nùng chiếm 56,73%, dân tộc Tày chiếm 36,24%, dân tộc Kinh chiếm 3,73%, dân tộc Dao chiếm 2,14%, dân tộc Hoa chiếm 0,63%, dân tộc Mông chiếm 0,36%.

* Đời sống kinh tế - xã hội

Cơ cấu kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, nguồn sống chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với một số loại cây trồng chính như cây lúa, ngô, thạch đen, một số loại rau củ; cây ăn quả như cam, quýt; chăn nuôi gia súc, gia cầm còn nhỏ lẻ; các cơ sở sản xuất kinh doanh tuy có nhưng còn nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người: 39 triệu VNĐ/người/năm; lương thực bình quân đầu người: 490 kg/người/năm.

Số hộ nghèo và cận nghèo hàng năm giảm dần. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,15%, hộ cận nghèo chiếm 4,72% (điều tra năm 2020).

Về Giao thông: Xã có đường quốc lộ 4A đi qua đã được nhựa hóa dài 6,4km; đường quốc lộ 3B đã được nhựa hóa dài 1,2km; đường liên xã đã được bê tông hóa dài 8,5km; các tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa; một số tuyến đường nội thôn, ngõ xóm đã cứng hóa, số còn lại nền đường đất lầy lội vào mùa mưa đi lại còn nhiều khó khăn.

Về trường học: Trên địa bàn xã có 03 trường học. 01 trường THCS, 01 trường Tiểu học, 01 trường Mầm non và 01 phân trường Tiểu học - Mầm non là phân trường Khảo Bàn. Trong đó cả 03 trường học trên địa bàn đều đã được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia.

Về điện nông thôn: Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn: 885/885 hộ đạt 100%.

Về y tế: Có 01 Trạm y tế nhà cấp bốn, có 05 phòng làm việc, 03 phòng điều trị, 03 giường bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Về cơ sở vật chất văn hóa: Có nhà văn hóa xã với diện tích 400m2, 200 chỗ ngồi, 04 phòng chức năng, có tường rào, có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, chưa có nhà để xe, vườn hoa, khu thể thao xã. Có 10/10 thôn có nhà văn hóa, trong đó có 6/10 nhà văn thôn đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chưa có thôn nào có khu thể thao.

Về văn hóa: Đến năm 2020, số thôn đạt tiêu chuẩn “Thôn văn hoá” là 10/10 thôn, đạt 100%. Tổng số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 770/881hộ, đạt 87,4%.

Năm 2017 xã Chi Lăng đã thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

* Các di tích lịch sử

Trên địa bàn xã Chi Lăng có 06 điểm di tích lịch sử gắn với các sự kiện lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó có 02 di tích đã được đầu tư xây dựng, còn 04 di tích chưa được xây dựng và không còn còn dấu tích.

+ Di tích Đuốc Khuổi Nhừ (thôn Nà Chát, nay là thôn Bản Mạy) Nơi đây đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ trong toàn huyện.

+ Di tích tại bãi cỏ rộng ở thôn Kéo Quang dưới chân đèo Bông Lau xã Chi Lăng (gần khu Trung tâm chính trị của huyện hiện nay) Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 Tối ngày 10/10/1950.

         + Di tích Khuổi Nghìn (Địa điểm bãi đất Cốc Lùng Khuổi Nghìn thuộc thôn Bản Chang) Nơi mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ.

         + Di tích Đồi Nà Pàn thôn Bản Chang, là nơi ở  và chỉ đạo phong trào cách mạng của các đồng chí cán bộ Trung ương.

+ Di tích chiến thắng Khuổi Sao Bông Lau (trên đèo Bông Lau).

+ Đài chiến thắng Bông Lau - Lũng Phầy (tại chân đèo Bông Lau).

About